Cơ hội khởi nghiệp với ứng dụng học tập trực tuyến

Cơ hội khởi nghiệp với ứng dụng học tập trực tuyến
Phụ huynh tìm các phần mềm ứng dụng học trực tuyến cho con

TTTĐ – Việc học sinh được nghỉ học kéo dài để phòng chống dịch khiến nhiều nhà trường, phụ huynh tìm đến các ứng dụng học tập trực tuyến. Do vậy, giáo dục trực tuyến (E-learning) tại Việt Nam được nhận định sẽ “bùng nổ”, là phương thức đào tạo phổ biến trong thời điểm dịch bệnh bùng phát.

Thị trường ứng dụng học tập trực tuyến màu mỡ này thu hút khá nhiều nhà đầu tư cũng như các start-up tham gia.

Công cụ học tập thời 4.0

Ngay sau khi học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng chống dịch do virus Corona, nhiều giáo viên và trường học đã thích nghi bằng cách dạy trực tuyến. Giáo viên các trường đã giao bài cho học sinh thông qua các phần mềm dạy học, Facebook, Zalo…

Trong đó, sử dụng các phần mềm có thể quản lý dạy học gián tiếp, đặc biệt là kiểm soát việc tự học của học sinh được đông đảo phụ huynh và giáo viên quan tâm.

Ở Trường Vinschool (Hà Nội), khi học sinh tất cả các cấp học có thông báo nghỉ, phụ huynh cũng được thông báo luôn kế hoạch “học online” của con.

Trong thời gian nghỉ, giáo viên chủ nhiệm phải tổng hợp kế hoạch học tập trong tuần cùng bài tập ôn luyện kiến thức đăng tải trên ứng dụng “Vinschool Parents” để cha mẹ hướng dẫn con chủ động nghiên cứu tài liệu, học tập tại nhà.

Trường Wellspring tăng cường các kênh dạy học và tương tác online đã được sử dụng song song với dạy học trực tiếp như: Google Classroom, Google Site, Class Dojo, Microsoft Office 365 teams, Quizizz, Facebook social, Learning Kahoot… Những kênh học tập trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin này cho phép học sinh ở nhà vẫn có thể nhận nhiệm vụ, được hướng dẫn, tương tác, cung cấp kiến thức.

Các phần mềm trực tuyến giao nhiệm vụ học tập (bài tập, nội dung luyện tập) có thể kiểm soát kết quả tự học của học sinh, chấm điểm và thông tin kết quả cho học sinh. Giáo viên có thể tương tác, trao đổi, hướng dẫn kiến thức cho học sinh qua mạng. Phương án này thích hợp áp dụng trong thời gian nghỉ phòng dịch nCoV hiện nay để học sinh không “quá nhàn rỗi mà quên kiến thức”.

Trẻ em được tiếp cận các phần mềm clip học tập trên internet
Trẻ em được tiếp cận các phần mềm clip học tập trên internet

Nhiều thống kê cho thấy, trẻ từ 3 – 4 tuổi đã tiếp cận với internet. Những năm gần đây tỷ lệ lứa tuổi này tiếp cận với internet tăng gấp 2 lần và tiến bằng với độ tuổi từ 5 – 10. Thời gian truy cập internet ngày càng tăng, trung bình một người dành 6,5 giờ/ngày; trong đó, 2,5 giờ truy cập mạng xã hội. 90% trẻ em cũng truy cập mạng xã hội và các ứng dụng có video. Các kênh truyền thông có lợi nhuận cao nhất là kênh thông tin dành cho thanh thiếu niên và trẻ em.

Chính vì lẽ đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm mở rộng các dịch vụ kinh doanh game online, các phần mềm trực tuyến dạy học, vừa học vừa chơi… dành cho trẻ em.

Nhiều gia đình không tiếc tiền đầu tư cho con những khóa học online trị giá hàng chục triệu đồng sau khi đọc, nghe… những quảng cáo hấp dẫn từ doanh nghiệp. Ích lợi của việc học online nói chung và một số phần mềm trực tuyến uy tín nói riêng là không thể phủ nhận.

Bên cạnh những mặt tích cực, nếu cha mẹ thiếu kiểm tra, giám sát, hoàn toàn phó mặc việc học tập cho con trẻ làm bạn với máy tính, điện thoại… thì chắc chắn hại nhiều hơn lợi. Bởi trẻ em vốn rất tò mò với những thứ mới lạ. Khi các con được “toàn quyền” sử dụng những thiết bị hiện đại này mà thiếu sự định hướng, giám sát của người lớn thì khả năng bị sa đà vào những thứ vô bổ, thậm chí độc hại, nguy hiểm đầy rẫy trên mạng… là rất lớn.

Nhiều start-up thành công với thị trường học tập trực tuyến

Việt Nam hiện nằm trong top 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng E-learning lớn nhất thế giới với tỷ lệ 44,3% trong năm 2018, theo nghiên cứu của Ambient Insight. Giá trị của các start-up về EdTech (công ty công nghệ chuyên về giáo dục) toàn cầu được ước tính hơn 190 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến vượt 300 tỷ USD vào năm 2025.

Một số doanh nghiệp trong nước tiên phong với mô hình E-learning như Violet.vn, Hocmai.vn, Topica… và khá thành công. Đơn cử, Hệ thống giáo dục Hocmai.vn đã thu hút 3,5 triệu thành viên tham gia. Gần đây, Topica kêu gọi được 50 triệu USD vốn đầu tư… Điều này chứng tỏ, người dân Việt Nam thích ứng nhanh và sẵn sàng tham gia học tập trực tuyến, hình thành một tệp người dùng có tính chủ động, liên tiếp ứng dụng công nghệ giáo dục ở các cấp học cao hơn.

Với hơn 40% dân số thế giới kết nối Internet cá nhân, người dùng chủ yếu là giới trẻ với nhu cầu học tập cao, thị trường giáo dục và đào tạo trực tuyến đang rất tiềm năng với quy mô lớn, tốc độ tăng trưởng doanh thu hơn 40% mỗi năm. Ước tính, quy mô thị trường EdTech Việt Nam không dưới 2 tỷ USD.

Start-up trong lĩnh vực giáo dục nổi tiếng toàn cầu mang đậm dấu ấn của người Việt Nam – GotIt! vừa thành công với khoản đầu tư 12,5 triệu USD từ các quỹ đầu tư Mỹ sau khi hoàn thành đợt gọi vốn lần trước với hơn 10 triệu USD. GotIt! cũng đã trở thành đối tác của Microsoft Office – phần mềm, ứng dụng văn phòng, máy chủ và dịch vụ hàng đầu của Microsoft được hàng tỷ người dùng khắp thế giới sử dụng. Sự hợp tác này đã nâng GotIt! lên một tầm cao mới.

Cùng với GotiIt!, Elsa Speak – ứng dụng luyện phát âm tiếng Anh của hai cô gái Việt đã vượt qua 1.000 đối thủ trên toàn thế giới, đoạt giải nhất cuộc thi dành cho các start-up về giáo dục – SXSWedu Launch. Elsa Speak đã gọi được hơn 15 triệu USD qua vài vòng gọi vốn và hiện có hơn 4 triệu lượt người dùng từ 101 quốc gia trên toàn thế giới, từng lọt vào top 5 các ứng dụng AI hàng đầu, cùng với các ứng dụng Cortana của Microsoft và Google Allo của Google…

Với tiềm năng lớn của giáo dục trực tuyến, tại Việt Nam hiện có hơn 100 start-up khai thác tiềm năng thị trường này và có trên 2 triệu người đang tham gia nhiều chương trình học qua mạng.

Cuối tháng 8/2019, Everest Education, start-up Việt trong lĩnh vực giáo dục đã gọi vốn thành công 4 triệu USD (Series B) từ quỹ đầu tư tư nhân Hendale Capital có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc).

Trước đó (khoảng đầu tháng 8/2019), quỹ đầu tư chuyên về mảng giáo dục có trụ sở tại Singapore và Ấn Độ – Kaizen Private Equity công bố rót 10 triệu USD vào Yola, start-up cung cấp dịch vụ giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam.

Cuối năm 2019, Onluyen.vn – nền tảng toàn diện cho việc cá nhân hóa học tập và đánh giá năng lực dành cho học sinh phổ thông do Edmicro xây dựng đã nhận được đầu tư vốn vòng Pre-series A từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Insignia Ventures Partners.

Onluyen.vn là một nền tảng học tập trực tuyến mang định hướng tự học với ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm lên đến 100.000 câu thuộc các môn Toán, Lý, Hoá, Sinh, Anh, Sử, Địa và Giáo dục công dân, dành cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 12.

Đây là mô hình cá nhân hoá học tập, giúp học sinh củng cố kiến thức, xây dựng một lộ trình học tập phù hợp với năng lực của bản thân. Theo chức năng tự luyện trên Onluyen.vn, các bài tập theo ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm được sắp xếp từ dễ đến khó. Học sinh sẽ được bổ sung lý thuyết ngay trong quá trình làm bài nhờ video bài giảng và thẻ kiến thức liên quan gắn với từng câu hỏi… 

Theo ông Nguyễn Ngọc Quế, Giám đốc điều hành Edmicro, sự hỗ trợ và nguồn lực từ Insignia Venture Partners sẽ giúp start-up này phát triển trọng tâm chiến lược của Edmicro, đó là mang tới những giá trị đích thực trong sứ mệnh phát triển nền tảng học tập cho học sinh trên khắp khu vực Đông Nam Á. 

Cũng theo ông Quế, trước mắt, sau thành công tại vòng gọi vốn đầu tiên, start-up này sẽ tập trung phát triển ở Việt Nam và sẽ mở rộng thị trường sang các nước Đông Nam Á, với mục tiêu đạt được hàng triệu học sinh đăng ký vào năm 2021.

 PHƯƠNG THU

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô